– Cảm xúc của ông ra sao khi truyện Tứ quái TKKG tái bản sau 16 năm?

– Tôi hài lòng khi đơn vị phát hành giữ nguyên bản in lần đầu tiên, và xúc động khi nhớ về thành công của bộ truyện lúc ra mắt. Truyện in lần đầu năm 1994 tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau 10 tập, con số ấn hành mỗi tập đã lên tới hơn 50.000 bản, phá vỡ mọi kỷ lục phát hành về truyện chữ lúc đó. Sau Nhà xuất bản Kim Đồng, có công ty sách cũng mon men làm lại với bản dịch đúng nguyên tác nhưng thất bại. Các thế hệ độc giả trẻ đã quen với phong cách phóng tác vừa giang hồ, kỳ ảo, vừa thơ mộng, lãng tử qua 70 tập.

– Cơ duyên nào đưa anh đến với bộ truyện ?

– Tôi sinh ra và lớn lên trong xóm Lách dưới chân cầu Công Lý (quận Phú Nhuận), một khu xóm gồm toàn dân “anh chị”. Tôi thấm nhuần không khí nghĩa hiệp theo kiểu phim Lương Sơn Bạc, biết trọng nghĩa khinh tài từ lúc 15 tuổi. Sau năm 1975, tôi đưa vốn sống “dưới đáy xã hội” của mình vào truyện dài đầu tay – Hải đại bàng, do Nhà xuất bản Kim Đồng đặt cọc. Truyện thành công, ông Nguyễn Thắng Vu – giám đốc Kim Đồng khi ấy – vào Nam tìm gặp tôi, đề nghị phóng tác bộ TKKG từ 70 tập được dịch sẵn.

Tôi đầu tư một tuần để thiết kế lại cốt truyện, nhân vật, sau đó viết nháp cho ông Vu đọc trước một cuốn. Tôi đặt cho TKKG thêm danh hiệu Tứ quái để thích hợp với các cuộc phiêu lưu mạo hiểm của bốn quái kiệt thích chọc trời khuấy nước, trừ gian diệt bạo. Mọi chuyện tiếp theo suôn sẻ. Đơn vị phát hành hài lòng vì văn phong của truyện khiến nhiều độc giả trẻ khi ấy có cảm giác như tác phẩm viết về mình.

– Anh gặp khó khăn ra sao khi phóng tác bộ truyện?

– Tôi viết 70 tập trong vòng một năm 5 tháng, mỗi tuần viết một tập. Tôi viết “gối đầu” trước 10 tập cho nhà xuất bản yên tâm. Khi đó, tôi phải viết nắn nót trên những tập học trò 100 trang để khi đưa sắp chữ, số trang không bị chênh lệch. Ban biên tập bộ sách ngoài Hà Nội lúc đó khen tôi viết tay mà như máy in. Tôi nghĩ phải đáp ứng bằng được thứ thức ăn tinh thần đó bởi thanh thiếu niên lúc ấy thiếu thốn cơm áo, cần một bộ sách bổ ích để bù đắp.

– Anh ấn tượng nhân vật nào trong tứ quái nhất?

– Tôi ấn tượng với cả bốn nhân vật trong Tứ quái, không chỉ riêng Tarzan. Người ta nhắc nhiều đến Tarzan bởi đó là một “đại ca” văn võ song toàn, quang minh chính trực, yêu ghét rạch ròi dù chỉ mới 16 tuổi. Chàng thiếu niên ấy làm động lòng cả những người lớn, khi ông Nguyễn Thắng Vu cho tôi biết nhiều độc giả bộ sách bằng tuổi ông. Điều tiếc nuối là khi ấy, tôi chỉ “Việt hóa” đến tập 70, do bên Đức tác giả viết không kịp. Nếu truyện tái bản thành công, tôi sẵn sàng phóng tác tiếp tập 71.

– Anh kỳ vọng ra sao khi truyện tái bản?

– Tôi hy vọng các bậc cha mẹ sẽ đón nhận và giới thiệu cho con em họ tác phẩm này. Tôi nghĩ, một bộ truyện kinh điển thì mãi vẫn là kinh điển. Tứ quái TKKG vốn là bộ sách “gối đầu giường” các thế hệ thập niên 1990. Tôi tin thanh thiếu niên từ 13 tuổi đến 20 tuổi hiện tại, dẫu được sinh ra vào thế kỷ 21 nhưng tâm hồn vẫn hướng thiện như lứa tuổi năm xưa. Tứ quái TKKG chỉ “chết” nếu bộ truyện không thiết thực, xa rời những khát vọng của tuổi trẻ hôm nay.