Hồi ký Đặng Văn Việt – Hùm Xám Đường số 4

Tác giả : Đặng Văn Việt Loại sách: mềm Khổ sách: 14,5x20,5

Giá bìa: 180.000

Giới thiệu sách

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954, có một con người ở cấp bậc Trung tá, chỉ huy trưởng một Trung đoàn đã được nhân dân vùng Cao – Bắc – Lạng xưng tụng là “Đệ tứ lộ Đại vương”. Còn về phía người Pháp họ gọi ông với biệt danh là “Hùm xám đường số 4” (le Tigre gris de la RC4), hay “tiểu tướng Napoléon” (mon petit Napoléon)… bởi vì thành tích trong chiến trận. Đó là ông Đặng Văn Việt. “Hồi ký Đặng Văn Việt – Hùm xám đường số 4” là tác phẩm đã được trao tặng giải thưởng cao nhất của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào năm 1999. Sau nhiều năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, NXB Lao Động và HanoiBooks đã ấn hành lại tác phẩm này.

 

Với giọng văn dung dị, chân thực, với mục đích viết để tôn vinh đồng đội, đồng bào, hồi ký Đặng Văn Việt đã được hãng thông tấn BBC của Anh đánh giá là cuốn hồi ký viết về chiến tranh hay nhất thế giới thế giới năm 2004. Những độc giả qua nhiều thế hệ có thể xem hồi ký Đặng Văn Việt như là một tấm gương phản chiếu không chỉ hình ảnh người lính Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, mà còn có thể thấy được bóng dáng một thời đại oai hùng trong lịch sử dân tộc.

Cuốn sách được chính tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời đề tặng, và Đại tướng Hoàng Văn Thái viết lời giới thiệu.

Đặng Văn Việt xuất thân trong một danh gia vọng tộc. Tổ tiên của ông là Quốc công Đặng Tất và danh tiếng Đặng Dung có bài thơ “Thuật hoài” nổi tiếng đời Hậu Trần. Ông nội là Đình nguyên Hoàng giáp Đặng Văn Thụy (đậu khoa Giáp Thìn năm 1904), từng làm Tế tửu Quốc tử Giám. Bà nội là bà Cao Thị Bích, con gái của Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục. Cha là Phó bảng Đặng Văn Hướng (đậu khoa Kỷ Mùi năm 1919), từng làm Tham tri Bộ Hình triều đình nhà Nguyễn, Tổng đốc Nghệ An thuộc chính phủ Trần Trọng Kim. Mẹ là bà Hoàng Thị Hiến, cháu ruột học giả Hoàng Đạo Thúy. Trong gia tộc của ông còn có nhiều nhân sĩ trí thức, tư sản có tiếng tăm thời trước và sau năm 1945. Do có xuất thân như thế, nên Đặng Văn Việt được hưởng một nền giáo dục chu đáo trước năm 1945. Ông từng học trường Quốc học tại Huế, từng học 4 năm tại trường Lycée de la Providence khi người cha sang Pháp công tác. Khi về nước, ông theo học tiếp tại trường Trung học Khải Định. Năm 1942, Đặng Văn Việt ra Hà Nội học tại Trường Cao đẳng Y khoa Đông Dương. Xuất thân và học vấn như thế khiến cho ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, đọc được cả hai cổ ngữ là chữ Latin và chữ Hy Lạp cổ.

 

Khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương vào tháng 3 năm 1945, Trường Cao đẳng Y khoa đóng cửa. Đặng Văn Việt trở về Huế tham gia Việt Minh. Ông là người tham gia treo cờ Việt Minh trước cửa Ngọ Môn, Huế vào ngày 17 tháng 8 năm 1945 cùng với những người bạn học Cao Pha, Võ Quang Hổ khi khởi nghĩa cướp chính quyền. Khi Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đặng Văn Việt gia nhập quân đội Việt Minh và bắt đầu chiến đấu ở chiến trường Huế, rồi được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào 1945), Chỉ huy trưởng Mặt trận đường số 7 (Thượng Lào 1946). Nhờ vào thành tích trong chiến đấu, Đặng Văn Việt được điều ra chiến khu Việt Bắc làm lãnh đạo Ban nghiên cứu trực thuộc Bộ Tổng tham mưu.

Năm 1947, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Mặt trận đường 4. Năm 1948, ông kiêm chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28 và bắt đầu ghi dấu ấn bởi những chiến công lẫy lừng trên đường số 4 là là tuyến đường giao thông quan trọng bậc nhất của vùng chiến lược Cao – Bắc – Lạng và đông bắc Bắc Bộ, dài 420 km dọc theo biên giới Việt – Trung, đặc biệt trong đó phải kể đến các trận phục kích trên đèo Bông Lau từ năm 1947 đến 1949, tiêu diệt hơn 100 xe cơ giới quân sự Pháp. Những danh xưng oai hùng của ông ra đời từ đây. Năm 1949, ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, tiếp tục ghi dấu ấn thắng lợi ở các chiến dịch Biên giới (1950), chiến dịch Tây Bắc (1952), chiến dịch Hòa Bình (1952)… Tên tuổi của Đặng Văn Việt gắn với những chiến công tại các trận: Bông Lau – Lũng Phầy, Bố Củng – Lũng Vài, Bản Nằm, Đông Khê, Bình Liêu… Năm 1953, ông đi học trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam và được giữ lại làm cán bộ nhà trường. Đặng Văn Việt được phong trung tá năm 1958 trong đợt phong quân hàm chính quy đầu tiên của quân đội.

 

 

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Hãy là người đầu tiên nhận xét “Hồi ký Đặng Văn Việt – Hùm Xám Đường số 4”

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *