Sau “Dũng sĩ Hesman”, “Siêu nhân Việt Nam” là bộ truyện tranh tiếp theo của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân được sự chào đón của đông đảo độc giả Việt trong những năm 1996-1997.

Siêu Nhân Việt Nam (tác giả, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân) là bộ truyện tranh giả tưởng ra đời ngay sau Dũng Sĩ Hesman, khoảng 1996-1997, được NXB Mỹ Thuật phát hành. Vào thời điểm đó, bộ tuyện có tổng cộng 52 tập và được lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ 23.

Cũng giống như Dũng sĩ Hesman, bộ truyện Siêu nhân Việt Nam đã gây được tiếng vang lớn sau khi ra mắt. Và mới đây, nhà sách HanoiBooks đã quyết định tái bản bộ truyện nổi tiếng một thời này.

Theo chị Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc HanoiBooks, tổng bộ truyện Siêu nhân Việt Nam sẽ có 52 tập, mỗi tập có giá 15.800 đồng. Và trong giai đoạn đầu bộ truyện tranh này sẽ được in 3.000 bản.

Khi được hỏi về lý do HanoiBooks quyết định tái bản bộ truyện này, chị Thủy chia sẻ:

Bản thân tôi cũng là một 8X, từng sống ở thời buổi kinh tế thị trường khó khăn. Khi đó, cuốn truyện tranh rất quý hiếm, nhà lại không có điều kiện để mua nên mỗi khi mượn được cuốn truyện tranh là đọc ngấu nghiến, đọc bất cứ lúc nào có thể, cảm giác như đói văn hóa vậy, vì còn phải trả lại người cho mượn.

Cho nên tôi muốn làm sống lại những năm tháng khó khăn, muốn tái sinh lại cảm xúc cả những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi được cầm trên tay cuốn truyện tranh yêu thích của thế hệ 7X, 8X ngày xưa”.

Chị Thủy cũng cho biết đối với truyện tranh Việt Nam, ví dụ như Siêu nhân Việt Nam hay Thần đồng đất Việt, điều mà các tác giả làm được là đã thổi vào tác phẩm những câu chuyện, âm hưởng của Việt Nam, có những hoài bão vượt qua ngoài tầm vóc của một con người cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ có thể có nhiều ước mơ, hoài bão hơn.

Còn đối với tác giả, họa sĩ Nguyễn Hùng Lân, khi biết Siêu nhân Việt Nam tái bản ông cảm thấy rất vui bởi bộ truyện tranh hơn 20 năm tuổi của mình lại được độc giả tiếp tục đón nhận như vậy.

Vào thời điểm sáng tác bộ truyện này, họa sĩ Hùng Lân gặp nhiều khó khăn, áp lực trong việc thực hiện bởi chưa có nhiều điều kiện hoàn thiện tốt nhất như máy tính hay các phần mềm bổ trợ… Tất cả các công đoạn từ lên kịch bản, tạo hình nhân vật, xây dựng tình huống và đặc biệt là vẽ minh họa đều do ông tự mình thực hiện thủ công.

Vất vả như vậy nhưng họa sĩ Nguyễn Hùng Lân vẫn kiên trì để có thể đưa đến độc giả những tác phẩm trọn vẹn nhất. Bởi ông luôn cho rằng: “Tại sao nước ngoài người ta có Batman, Superman, X-men… và hàng loạt truyện tranh giả tưởng khác, thế sao Việt Nam mình vẫn chưa làm?

Siêu nhân Việt Nam không giống như Hesman, bộ truyện xoay quanh chuyện ở Trái Đất nhiều hơn, mặc dù là đang ở thế kỷ thứ 23, nhưng vẫn dẫn dắt người đọc đi tới những tình tiết Việt hơn, ví dụ như: Bí Mật Dãy Trường Sơn, Thác Khônơ kỳ bí ở Lào… Còn cốt truyện chính tất nhiên hoàn toàn là do trí tưởng tượng của tôi”.

Nếu như bộ truyện Dũng sĩ Hesman là tác phẩm thành công nhất của họa sĩ Nguyễn Hùng Lân khi được độc giả đón nhận mạnh mẽ trong suốt mấy năm kể từ khi xuất bản lần đầu thì có lẽ Siêu nhân Việt Nam lại là bộ truyện được ông dành nhiều tình cảm yêu quý hơn.

Dù cho cả hai bộ truyện đều mang lại thành công cho họa sĩ Nguyễn Hùng Lân nhưng đối với Siêu nhân Việt Nam, nó hoàn toàn là “món ăn tinh thần” được ông tự mình chế biến (Dũng sĩ Hesman được lấy cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Voltron của Nhật) và lồng ghép được vào nhiều chi tiết Việt Nam.

[Nguồn: Zingnews.vn]